Đọc hiểu là một trong 4 kỹ năng quan trọng đánh giá trình độ thực sự của người học ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình đọc tiếng Anh – đọc không hiểu dẫn đến chán nản, hay đang muốn nâng cao khả năng Reading để nâng cấp bản thân lên những trình độ cao hơn. Thì bài viết này là dành cho bạn. Cùng Ông Giáo Vlog tìm hiểu ngay 5 cách nâng cao kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh thôi nào!
Mục lục
Tạo thói quen đọc từ những điều cơ bản nhất
Trước tiên mình muốn làm rõ với các bạn rằng, việc đọc tiếng Anh đối với những người mới – trình độ còn cơ bản là một điều hết sức khó khăn và khổ sở. Tưởng tượng cầm một cuốn sách tiếng Việt đọc đã là một thử thách rồi, đằng này còn là tiếng Anh và còn quá trời là chữ. Mình dám cá bạn sẽ bỏ cuộc hoặc buồn ngủ chỉ sau vài trang sách hoặc bài viết.
Giải pháp: Cho nên mình khuyên các bạn khi mới bắt đầu, hãy tập trung vào việc hình thành thói quen chứ chưa cần đọc nhanh, đọc nhiều làm gì.
Cụ thể, hãy chọn ra một bài viết hay sách tiếng Anh mà các bạn yêu thich, có thể là PDF hay dạng vật lí. Rồi tiến hành đọc chỉ 1 trang hay 1 bài viết ngắn mỗi ngày. Làm việc này đều đặn mỗi ngày sẽ giúp bạn quen với việc đọc và chuẩn bị cho những thứ khó nhằn hơn.
Đọc những cuốn sách hay bài viết yêu thích bằng tiếng Anh nên được ưu tiên
Đến với cách thứ 2, mình mong các bạn hãy tìm cho mình một cuốn sách hay chủ đề yêu thích nào đó rồi tiến hành đọc nó, có thể là game, thể thao, phân tích, đời sống,..
Lấy ví dụ là mình, mình rất thích thể thao, cụ thể là giải bóng đá Ngoại Hạng Anh (Premier Leauge) và đội bóng Arsenal. Nên hằng ngày mình đều truy cập vào những bài báo bằng tiếng Anh để đọc tin tức liên quan đến đội bóng, hay những bài phân tích chuyên sâu. Giai đoạn đầu hơi khó khăn nhưng tin mình đi, dần dần rồi bạn sẽ bị ghiền đấy. Và đây cũng mở ra cho mình một cách khác để cải thiện khả năng đọc.
Đừng ngại từ mới, hãy thoải mái tra từ điển trong quá trình đọc
Như mình đã nói ở trên, chọn được chủ đề mình yêu thích là chưa đủ để thành công trong việc đọc hiểu tiếng Anh. Bạn cũng cần hạ cái tôi xuống và chấp nhận có những từ mình chưa biết. Có được tâm lí này, sẽ giúp bạn đỡ áp lực hơn trong việc tra từ mới. Từ đó vừa mở rộng được từ vựng, cấu trúc tiếng Anh, vừa hiểu được những thông tin mà mình thích. Quá tiện phải không nào.
Mẹo: Dùng từ điển Cambridge để tra nghĩa tiếng Anh, sau đó tìm nghĩa tiếng Việt của từ mình tra kết hợp với việc đặt ví dụ. Bạn sẽ thấy quá trình đọc trở nên rất vui vẻ và cuốn hút vì bản thân học được nhiều cái mới
Mở rộng chủ đề dựa trên chủ đề đọc mình thích
Cách thứ 4 này áp dụng khi ta đã đọc cũng như hiểu được những chủ đề mình thích rồi. Và đây là giai đoạn mở rộng nhiều lĩnh vực hơn. Ví dụ như khi bạn đang đọc chủ đề về game và có những gợi ý liên quan đến chủ đề khác, đừng ngần ngại tìm hiểu thêm thông tin về chủ đề đó.
Ví dụ như khi tìm hiểu về game sẽ có những nhân vật với cốt truyện cực kỳ hay bằng tiếng Anh, hãy tận dụng điều đó để đọc nhiều hơn. Hay đối với lĩnh vực dạy học, tâm lý cũng là một yếu tố cần thiết, hãy mở rộng thêm nhiều kiến thức bổ trợ cho những thứ mình yêu thích nhé các bạn!
Nhớ ghi chú những kiến thức bổ ích và đặt câu hỏi phản biện trong quá trình đọc bạn nhé
Đọc được và hiểu được là một chuyện, ghi nhớ và vận dụng thực tế được hay không là chuyện khác. Vì bộ não con người ghi nhớ kiến thức hay thông tin bằng trí nhớ ngắn hạn (short-term memory) cho nên mọi thứ sẽ trôi qua không đọng lại gì nếu bạn không ghi chú cũng như vận dụng chúng. Dưới đây là các bước để lưu trữ thông tin mà không cần bận tâm đến những điều mới học được.
Bước 1: Đọc và gạch chân, highlight những từ vựng, cụm từ và ngữ pháp, kiến thức mới
Bước 2: Ghi chú vào sổ tay những gì vừa mới học hỏi được
Bước 3: Xem sổ tay, suy ngẫm về những điều đó và áp dụng vào cuộc sống
Ví dụ:
- Mình đọc được một mẩu truyện hay và ghi chú được cụm idiom sau:
Face the music: gánh trọng trách, trách nhiệm.
- Sau khi ghi chú, mình thử đặt một câu ví dụ với cụm từ này để nhớ lâu hơn:
You were late for the deadline and now you must face the music.
(Bạn đã trễ hẹn deadline và bây giờ bạn phải gánh hậu quả. )
Bằng cách này, bạn có thể ghi thông tin vào trí nhớ dài hạn (long-term memory) và có thể lấy ra xài bất cứ lúc nào bạn cần dùng tới nó.
Vậy là chúng mình đã đi qua các bước cần thiết để cải thiện khả năng đọc hiểu tiếng Anh rồi. Ông Giáo Vlog hy vọng qua bài viết tâm huyết này, các bạn đã hình dung cho mình được một bức tranh toàn cảnh về việc đọc tiếng Anh và kỹ năng Reading – nó không quá khó đâu, quan trọng là:
“A journey of a thousand miles begins with a single step”.
Hãy cứ bước đi những bước đi đầu tiên và đừng sợ hãi gì bạn nhé, thành công phía trước đang đợi bạn đấy!